Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: LÊ HOÀ
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Chuyên đề: “Quản lý đất đai và xác định giá đất – Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động Kiểm toán Nhà nước”.
Phát biểu tại Hội Thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà Nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, là một quốc gia có diện tích đất tự nhiên trên đầu người vào loại thấp của thế giới (chỉ đạt khoảng 3.400 m2/người), việc quản lý và sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta. Các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai luôn là những vấn đề “nóng”, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân và hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai đã tạo dựng được nguồn lực to lớn cho xây dựng và phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.
Cùng với quá trình đô thị hóa, việc vốn hóa đất đai, phát triển thị trường bất động sản được thực hiện mạnh mẽ. Đơn cử, từ năm 2017 đến năm 2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12% đến 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công.
Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp – mà đất đai là tư liệu sản xuất chính, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian dài vừa qua. Hiện, nông nghiệp cũng đang là trụ cột chống đỡ chính của kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, qua kết quả kiểm toán cho thấy, trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng đất đai còn một số vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc, như:
Thứ nhất , chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là sử dụng cho phát triển kinh tế.
Thứ hai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính ổn định lâu dài.
Thứ ba, thu hồi đất khi chưa đảm bảo các điều kiện và trình tự, thủ tục theo quy định; giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường.
Từ thực tiễn địa phương, ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh, một số bất cập chưa được giải quyết chủ yếu do chính sách pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan còn nhiều điểm chưa đồng bộ, thống nhất; pháp luật đất đai có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay, cần được nghiên cứu sửa đổi.
Đơn cử, quy định về nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư nhà ở thương mại không thực hiện được do chưa thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư với quy định của Luật Nhà ở; không có cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư khó khăn trong việc nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất (do người sử dụng đất không thỏa thuận hoặc yêu cầu giá cao …).
Về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư, theo Nghị định 10/2023/NĐ-CP, đối với dự án thu hồi đất có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua tại 02 kỳ họp khác nhau; dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB)(chậm thời gian thực hiện tối thiểu là 06 tháng).
Liên quan đến chính sách thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, ông Thái chỉ rõ, các dự án thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai trước Luật Đất đai 2013 (nhưng chưa hoàn thành GPMB); được chuyển tiếp thực hiện nhưng không thuộc đối tượng thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013; không có quy định cho phép tiếp tục thực hiện thu hồi đất GPMB đối với diện tích đất còn lại chưa hoàn thành GPMB. Nhà đầu tư phải thực hiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này.
“Điều này dẫn đến 01 dự án đầu tư, nhà đầu tư phải tiếp cận đất đai theo 02 cách, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư do người dân không đồng thuận, dự án kéo dài, chậm tiến độ đầu tư. Hay việc áp dụng giá đất ở để xác định đơn giá thuê đất cho các đơn vị sự nghiệp đã chuyển sang tự chủ tài chính theo quy định tại Điểm d, Khoản 3 Nghị định 44/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ là không phù hợp”, ông Thái nhấn mạnh.